Góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng 2010-10-12 15:32:36.026 Người gửi: Nguyễn Hữu Nghĩa
Email:huunghiab6@gmail.com Điện thoại: 0913447451
Địa chỉ: Ban Quản lý D Thuỷ lợi 6, số 112 Hùng Vương, TP. Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Nghĩa Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi- Bộ NN&PTNT. ĐT: 0913447451; 055 3824458 Email: huunghiab6@gmail.com Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 10 năm 2014. Ý kiến tham gia dự thảo Nghị định Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Do Cục Quản lý HĐXD-Bộ XD cập nhật ngày 26/9/2014) Kính gửi: Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng. Thực hiện đề nghị của Quý Cục về việc tham gia góp ý dự thảo Nghị định Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, sau khi đọc kỹ dự thảo trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, tôi nhận thấy so với bản dự thảo trình bày trong Hội thảo ngày 18/9/2014 tại TP. Hồ Chí Minh, bản dự thảo cập nhật ngày 26/9/2014 đã có nhiều cập nhật, hiệu chỉnh. Tuy vậy, bản thân tôi xin có ý kiến tham gia thêm một số nội dung cụ thể như sau: 1. Tại Điều 3. Chủ đầu tư xây dựng Khoản 1 dự thảo ghi: “Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực được thành lập theo quy định tại Điều 63 Luật Xây dựng hoặc cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách nhà nước.” Theo Điều 63 Luật XD thì các Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do “Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước quyết định thành lập” Như vậy, theo quy định tại khoản 1 nêu trên thì tất cả các Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực không phân biệt do ai thành lập đều có thể được giao làm chủ đầu tư các “dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước”. Nhưng ở khoản 2 Điều 3 của dự thảo ghi: “Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách thì chủ đầu tư là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định thành lập hoặc cơ quan, tổ chức quản lý sử dụng công trình được người quyết định đầu tư giao quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng.” Như vậy, theo quy định này thì các Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện sẽ không thể làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách? Điều này không phù hợp với thực tế hiện nay và có phần chưa phù hợp quy định của Luật Xây dựng: - Theo Điều 7 Luật Xây dựng, không có khoản nào phân biệt riêng Chủ đầu tư của “dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước” với “dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách”; khoản 2 Điều 7 LXD đã ghi chung rằng “Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng”; - Theo Điều 63 Luật xây dựng cũng không có khoản nào phân biệt riêng Chủ đầu tư của “dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước” với “dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách”. Khoản 2 Điều 63 Luật XD cũng chỉ ghi chung là “Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực được giao làm chủ đầu tư một số dự án và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tham gia tư vấn quản lý dự án khi cần thiết”; - Thực tế hiện nay, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực được các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ,... thành lập theo quy định tại Điều 63 Luật Xây dựng vẫn đang được giao làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA... do các Bộ là người quyết định đầu tư. Do vậy, đề nghị xem xét sửa đổi các khoản trong Điều 3 dự thảo Nghị định này theo hướng gộp khoản 1 và khoản 2 thành: “Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách thì chủ đầu tư là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực được thành lập theo quy định tại Điều 63 Luật Xây dựng hoặc cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách nhà nước.” 2. Về vốn Nhà nước: Thực chất thì “vốn ngân sách nhà nước” và “vốn nhà nước ngoài ngân sách” chung quy cũng là vốn nhà nước mà đã là vốn nhà nước thì tất cả phải tuân thủ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng như nhau, chỉ khác một ít trong quản lý chi phí dự án với các loại vốn nhà nước ngoài ngân sách có thêm một số quy định về giải ngân, thanh toán...(ví dụ: vốn trái phiếu Chính phủ có một số quy định thêm của Bộ Tài chính về quản lý chi phí dự án đầu tư; vốn ODA có thêm một số quy định riêng theo Hiệp định với nhà tài trợ...). Việc phân chia hai loại nguồn vốn trên trong quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng tạo nên các quy định nội dung trùng lắp; thể hiện ở nhiều nội dung giống hệt nhau nhưng vẫn chia ra làm cho Nghị định trở nên quá dài, thiếu khoa học; cần nên xem xét gộp lại thành quy định chung cho các dự án sử dụng vốn nhà nước (cả vốn ngân sách và ngoài ngân sách) như thời gian trước đây. Cụ thể một số quy định trong dự thảo Nghị định lần này như sau: - Nội dung khoản 2 và khoản 3 Điều 11 dự thảo NĐ hoàn toàn giống hệt nhau; đề nghị gộp chung thành “Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước”; - Nên tách nội dung vốn ngân sách ngoài nhà nước trong Khoản 2 Điều 12 đưa về gộp với khoản 1 Điều 12 thì phù hợp hơn vì việc quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án án sử dụng “vốn nhà nước ngoài ngân sách” gần giống với các dự án “sử dụng vốn ngân sách nhà nước” hơn là với các dự án “sử dụng vốn khác”; tương tự cho những điều khoản khác có phân biệt nguồn vốn (ví dụ: mục b, mục c, khoản 3 Điều 12...) - Tương tự nội dung giữa Điều 25 và Điều 26 cũng quá giống nhau, nên nghiên cứu gộp lại thành một Điều chung cho cả vốn NSNN và vốn NN ngoài NS; trong đó, khoản 1 gồm 3 điểm a, b, c như dự thảo để quy định chung và chỉ nêu thêm điểm d quy định đối với dự án sử dụng vốn NN ngoài NS để thực hiện thẩm định nội dung c của khoản 2 và khoản 3 trong Điều 58 của Luật XD là đủ. Trường hợp việc gộp Điều 25 và 26 không được thực hiện thì cần lưu ý thêm, khoản 2 Điều 25 dự thảo nêu: “b) Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuât, dự toán trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình cấp II trở xuống, trừ các công trình quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này;” Nhưng trong khoản này thiếu điểm c (trong dự thảo trình bày ngày 18/9/2014 thì vẫn có); đề nghị xem lại để bổ sung vì rõ ràng Ủy ban nhân dân cấp huyện vẫn có thể là người quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; và nội dung điểm này cũng phù hợp với điểm d, khoản 2 Điều 11 dự thảo NĐ lần này. Nói chung về phần này, chúng tôi đề nghị nên nghiên cứu gộp chung loại “các dự án sử dụng vốn NSNN” và loại “các dự án sử dụng vốn NN ngoài NS” thành một nhóm “các dự án sử dụng vốn nhà nước” để phân biệt với nhóm “các dự án sử dụng vốn khác”; trong các nội dung quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với nhóm thứ nhất ngoài những quy định giống nhau thì có thêm quy định riêng cho loại dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, nếu có sự khác biệt. Như vậy, Nghị định sẽ được gọn gàng, khoa học hơn. 3. Điều 44. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn: Điểm c, khoản 2 nêu: “c) Bản vẽ thiết kế xây dựng theo quy định hoặc văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng (theo từng giai đoạn);” Cần làm rõ thêm trong Thông tư hướng dẫn sau này về ý nghĩa chữ “hoặc” trong câu trên; có phải nếu đã có văn bản thẩm định thiết kế của các cơ quan chuyên môn về xây dựng thì không cần có (nộp) bản vẽ thiết kế xây dựng theo quy định? Các nội dung khác thống nhất như dự thảo. Đây là một số suy nghĩ cá nhân, kính gửi Quý Cục tham khảo, xem xét. Nếu có gì chưa đúng, mong được thông cảm. Trân trọng./. |